Những lưu ý khi mua bảo hiểm cho những người kinh doanh tự do

Nhiều người lao động, nhất là làm việc tự do hay kinh doanh thường chọn mua bảo hiểm như một cách để dành tiền cho cuộc sống sau khi về hưu, nhưng chọn loại bảo hiểm nào cũng cần có những lưu ý để tránh “giữa đường gãy gánh”…

Loại hình bảo hiểm mới

Chị Nga (30 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) đang kinh doanh tại nhà nên không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như lao động ở các doanh nghiệp (DN). Dù vậy, chị muốn tham gia đóng bảo hiểm để khi hết tuổi lao động sẽ có nguồn thu nhập ổn định cho bản thân. Qua tìm hiểu, chị đang băn khoăn nên đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hay mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện (BHHTTN). Trong khi đó, chị Thu Hồng (28 tuổi), nhân viên một DN tại TP.HCM, cho biết dù đã có bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng vẫn muốn có thêm khoản thu nhập để cuộc sống thoải mái hơn khi về hưu. Vì vậy, chị đang tìm hiểu về loại hình BHHTTN vừa được công bố từ đầu năm 2014.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, BHHTTN là sản phẩm thương mại, được các công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) triển khai. Đối tượng tham gia BHHTTN là người trong độ tuổi lao động, được lựa chọn, thay đổi mức đóng trong quá trình đóng phí. Để khuyến khích người lao động và DN tham gia hai loại hình bảo hiểm mới này, phần đóng góp sẽ được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế của cá nhân (nhưng tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng). Bên cạnh đó, tiền lương hưu nhận được hằng tháng từ quỹ hưu trí tự nguyện là khoản thu nhập được miễn thuế…

Theo công bố của các công ty bảo hiểm, nếu một khách hàng tham gia BHHTTN từ năm 30 tuổi, với mức đóng 1 triệu đồng/tháng thì mức “lương hưu” sẽ nhận được hơn 14 triệu đồng/tháng. Số tiền đóng góp hằng tháng càng cao thì mức thu nhập khi nghỉ hưu càng lớn. Người tham gia BHHTTN sẽ được chi trả trong khoảng thời gian 15 năm kể từ khi về hưu (mức lãnh lương có thể lựa chọn theo tháng hoặc quý). Việc đóng BHHTTN cũng sẽ được tính lãi suất hằng năm trên tổng số tiền đã đóng… Tuy nhiên, theo quy định, người mua BHHTTN chỉ được hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ 60 tuổi (nam), 55 tuổi (nữ) và 20 năm đóng phí.

bao hiem

Tìm hiểu kỹ hợp đồng

Dù BHHTTN được cho là có nhiều ưu điểm, nhưng nhiều người lao động cho rằng thời gian đóng bảo hiểm quá dài và ít mang tính linh hoạt. Trong khi đó, BHNT có nhiều sản phẩm cũng đang phát triển mạnh để cạnh tranh. Anh Dũng, một nhân viên chứng khoán ở Q.1, TP.HCM đã chọn mua BHNT thời gian 15 năm. Theo phân tích của anh, tham gia BHNT linh hoạt hơn và quan trọng nhất là nó mang tính bảo vệ cao hơn cho bản thân và gia đình, nhất là khi trong cuộc sống, không ai lường trước được những rủi ro về tai nạn, bệnh tật… “Nếu không có những rủi ro thì mình vẫn nhận đủ lại số tiền đã đóng góp cộng thêm với khoản lãi suất hằng năm. Với hợp đồng 15 năm, mỗi năm tôi đóng 8 triệu đồng, đến khi hết hạn số tiền tích lũy được là 120 triệu đồng. Dù không nhiều nhưng đó vẫn là khoản tiết kiệm và chưa tính lãi suất được chia khoảng 8%/năm, mình có thể chuyển thành khoản tiết kiệm gửi vào ngân hàng để chi tiêu thêm sau khi về hưu. Mức phí đóng này phù hợp với thu nhập của một nhân viên bình thường như tôi”, anh Dũng nói.

Tuy nhiên, dù chọn loại hình bảo hiểm nào, các chuyên gia tài chính cũng lưu ý người mua đều phải đọc kỹ hợp đồng, hiểu rõ những quy định về các trường hợp bồi thường khi có rủi ro hoặc nếu muốn kết thúc hợp đồng trước hạn…; đồng thời nên lựa chọn số tiền mình có thể đóng hằng tháng trong khả năng nhất định chứ không nên đóng quá cao, dễ bị hụt hơi. Đặc biệt, những người có khả năng tài chính eo hẹp hoặc thu nhập không ổn định thì không nên tham gia BHNT vì nếu ngưng hợp đồng trước hạn, quyền lợi không những chẳng có mà số tiền đã đóng cũng xem như gần mất trắng.

Thảo Vy

(Nguồn: Thanh Niên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *